Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Cần “phổ cập” việc giảng dạy bằng… máy chiếu

Ngay cả các chuyên gia đầu ngành giáo dục cũng phải thừa nhận: phương pháp giảng dạy ở nước ta lâu nay quá thụ động. Giáo viên và học sinh tương tác một chiều qua việc đọc, (ghi lên bảng) và chép lại nên việc lĩnh hội kiến thức gặp rất nhiều hạn chế.


Can pho cap viec giang day bang may chieu
Một giáo viên đang chuẩn bị máy chiếu trước bài giảng.
Đến bất cứ 1 trường học nào của Việt Nam từ tiểu học cho đến đại học, mọi người đều dễ dàng nhận thấy những tiết học với bài giảng được giáo viên soạn sẵn, trong quá trình giảng bài người giáo viên sẽ căn cứ vào giáo án đó để “nói” và viết lên bảng.

Điều này đã khiến các giáo viên khá vất vả, nghiêm trọng hơn là hầu hết các giáo viên Việt Nam đều mắc các bệnh nghề nghiệp như viêm phổi, khản giọng, đau cơ tay... còn học sinh cũng gặp phải những vấn đề tương tự: nếu quá chăm chú nghe giảng thì sẽ không chép kịp, ngược lại nếu chỉ để ý ghi chép thì không hiểu thấu đáo nội dung.

Ở nước ta hiện nay, có hai loại hệ thống trình chiếu chủ yếu được sử dụng trong giảng dạy: Máy chiếu hắt và máy chiếu đa năng của các hãng Optoma, Hitachi, Sanyo, Epson, Panasonic, Sony, BenQ... luôn cạnh tranh nhau về công nghệ cũng như về giá cả.
Ngoài ra, nếu các trường có điều kiện hơn nữa về ngân sách, có thể trang bị thêm các phụ kiện hỗ trợ khác như: camera chiếu vật thể, bảng điện tử...
Hơn nữa với kiểu giảng dạy này, nếu giáo viên không có phương pháp làm cho bài giảng trở nên sinh động thì hiện tượng học sinh ngủ gật trong giờ là rất phổ biến và dĩ nhiên chất lượng của buổi học sẽ không thể có kết quả tốt.

Lý giải về vấn đề trên, các chuyên gia của Hiệp hội Nghe nhìn Quốc tế cho biết: Nguyên nhân là do cả giáo viên và học sinh đều không tận dụng được tối đa hiệu quả của 2 chức năng thị giác và thính giác.

Hiệp hội này đã tiến hành nghiên cứu tại nhiều lớp học và kết luận: khi nghe, học sinh chỉ tiếp nhận và lưu giữ được từ 10-30% nội dung thông tin; từ 20-40% khi nhìn, nhưng sẽ đạt tới 60- 80% nếu kết hợp cả hai chức năng trên. Ngoài ra, nếu học sinh vừa nghe, vừa nhìn lại vừa thảo luận, trao đổi với giáo viên thì hiệu quả lưu giữ thông tin sẽ cao hơn rất nhiều.
Can pho cap viec giang day bang may chieu
Nghiên cứu của Hiệp hội Nghe nhìn Quốc tế

Vậy làm thế nào để giúp cho học sinh có thể hiểu và tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả nhất? Có lẽ, giải pháp tốt nhất hiện nay và tương lai gần là việc đưa các thiết bị trình chiếu hiện đại vào trường học.

Được biết các nước tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Oxtrâylia, Singapore, Nhật Bản... đã nhận thức rất sớm về vấn đề trên và họ đã nhanh chóng đưa các thiết bị hiện đại, trong đó tất nhiên không thể thiếu máy chiếu, hỗ trợ cho việc giảng dạy.

Thực tế đã chứng minh chất lượng đào tạo tại các nước này dường như ở một đẳng cấp khác - cao hơn hẳn so với thế giới và quan trọng hơn là học sinh của họ có tính chủ động rất cao.

Ở Việt Nam những năm gần đây, chúng ta cũng nhận thức được vai trò của hệ thống trình chiếu với công tác giảng dạy. Tuy nhiên, hầu như chỉ các trường Đại học mới có khả năng, kinh phí trang bị những hệ thống này.
Năm học 2006- 2007, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có chủ trương yêu cầu các Sở Giáo dục - Đào tạo phải trang bị máy chiếu hắt cho khối lớp 10 và khuyến khích các Sở có điều kiện mua thêm máy chiếu đa năng. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn giúp thay đổi cách giảng dạy truyền thống bằng phương pháp hoàn toàn mới mẻ và hiệu quả.

Với sự hỗ trợ của các thiết bị trình chiếu, giáo viên dễ dàng làm cho bài giảng trở nên sinh động, thú vị hơn bằng việc đưa vào đó những âm thanh, hình ảnh, màu sắc... như ý muốn, tuỳ từng hệ thống trình chiếu, giáo viên có thể soạn bài theo các cách khác nhau. Học sinh có thể tiếp thu bài học một cách hết sức trực quan.
Chẳng hạn như, các em ngồi tại Việt Nam nhưng sẽ có cảm giác như đang sống tại lục địa châu Mỹ khi được xem đoạn video trong giờ Địa lý thế giới. Hoặc các em có thể nhìn thấy rất rõ cấu tạo của từng tế bào trên cơ thể con người trong giờ Sinh học... Bài giảng sẽ được photocopy và phát cho từng học sinh trước hoặc sau mỗi giờ học.

Như vậy, các em sẽ hiểu bài rất nhanh và rất sâu ngay trên lớp học. Còn việc xem lại bài ở nhà chỉ với mục đích để các em hệ thống lại những gì mình đã được nghe, được nhìn trên lớp học, tích trữ thành vốn kiến thức của riêng mình.

Đặc biệt, khi giáo viên phải phụ trách nhiều lớp cùng khoá, thì lợi ích của phương pháp giảng dạy này càng rõ ràng. Chẳng hạn, giáo viên không phải viết đi viết lại 5 lần cùng một nội dung lên bảng, nếu như họ phải giảng bài học đó tại 5 lớp khác nhau.

Công việc của họ lúc này hầu như chỉ là điều khiển máy vi tính hoặc thay các tấm phim trong và không phải tốn nhiều công giảng giải mà vẫn làm cho hoc sinh hiểu bài một cách sâu sắc.

Rõ ràng, việc đưa các thiết bị trình chiếu vào trường học là hết sức cần thiết góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nói chung tại Việt Nam. Nó không chỉ giúp cho cả giáo viên và học sinh được "giải phóng đôi tay", tăng mức độ tập trung vào bài giảng mà còn giúp họ có thể trao đổi (discuss), tương tác qua lại với nhau (interactive), làm cho giờ học trở nên sôi động và lý thú hơn.

Đặc biệt hơn nữa, phương pháp giảng dạy mới này còn phát huy khả năng tư duy logic (logical thought faculty), trí tưởng tượng (imagination), óc sáng tạo (creative mind) và tính chủ động (sense of initiative) của học sinh trong quá trình học tập.

Minh Tuấn
Việt Báo (Theo_DanTri)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Macys Printable Coupons